Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Độc Thoại - Nhớ Nguyên Tánh-PCT.

Độc Thoại – Nhớ Nguyên Tánh-Phạm Công Thiện
                                                            (Tưởng niệm  hương linh bạn Đỗ Văn Thông)

Tôi và thế hệ đầu 5X đã nghiền ngẫm, say mê, vọng tưởng đến cuồng điên về những gì anh đã viết…Những năm tháng chúng tôi còn mòn đủng quần trên ghế nhà trường cấp III, rồi giảng đường đại học cùng cả thế hệ lớn tuổi hơn, đã bị mê hoặc bởi chữ nghĩa phù thủy của anh đến trở thành một “trào lưu mê Phạm Công Thiện” thời ấy.

Tôi đã mất trí suốt ba tháng hè niên khóa 1968-69 khi chỉ mới lớp 10. Tôi đã lạc hồn trong quyển “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” dày gần bằng nửa cuốn tự điển…(mà nghe đâu sau này anh đã vứt vào sọt rác). Tôi và một số bạn ban C, Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, thời ấy, không thể thiếu quyển sách anh viết kẹp nách hằng ngày, cùng sách vở đến trường!!!

Hởi ôi! Với tuổi 16 đẹp mơ, trong veo, hầu như chúng tôi đã mê say, bay bỗng về những điều anh viết về W. Saroyan, E. Hemingway, H. Miller… và những câu thơ trích dẫn từ Appolinaire, “Ta ngắt đi một cành hoa Thạch Thảo…”,… ” Dưới cầu Mirabeau chảy dòng Seine…”. Ôi! Làm sao tôi nhớ tên họ hết các tác giả anh đề cập qua từng ấy năm tháng…Hơn nửa đời người đã trôi qua và thế hệ chúng tôi đầu đã bạc…có bạn đã vĩnh viễn đi vễ cỏi giới khác! Chúng tôi đã mê say Paris như điếu đổ vì:”Better a beggar in Paris than a millionaire in New-York” mà anh thường lập đi lập lại trong đó. Té ra, tuổi trẻ nào cũng có chung một ước mơ cho thời đại họ sống. Vậy mà sau này, anh đã bỏ Châu Âu vả Paris để về Los Angeles, rồi Garden Grove, U.S.A. ôm ấp một nàng Huế  với cái “baubo” tuyệt vời (ra làm sao…thì chỉ anh biết!). Tôi tự nhắc nhở mà không thất vọng. Bởi, với anh thì có thời-không nào hạn định nữa.

Cô-nàng-mỹ-thuật gì gì đó trong Chapter 33 (nghe như bia băm ba trứ danh thời ấy): “Xin thầy mở cửa, có người muốn gặp…Ngồi đọc Kim Cang, mất hết bốn hàng.” (Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất, trang 279-281, Trần Thi xuất bản, 1988, Huê Kỳ). Thật là hai trang:“ tứ ngôn bất tuyệt…tuyệt bất khả ngôn” của anh cà rởn. À ha! Nhưng để kể lể về:
“ Lòng thòng lộn tới lộn lui,
Như con khỉ đột nhớ mùi ’baubo’!
Văn chương, triết lý, ra dzô,
Ra dzô hít thở, ‘baubo’ nhớ mùi.
‘Bát bất’ nói tới nói lui,
Long Thọ giáng trượng một đùi ra ma.
Chi bằng Gar-den Gro-ve,
Nằm nghe ca Huế, đêm thâu mó …./-

Có gì thì xin anh thứ lỗi (sic!) vì tôi đã làm mấy câu lục bát trên theo giọng cà cựa của anh đã nhập vào tiềm thức từ ngày xưa.

Nhưng thích hơn sau cuốn “tự-sự-tiểu-sử” đó là: “ Những Bước Chân Trở Về Sự Im Lặng”(Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, Monterey Park, Ca., 14/071994). Lần này thật sự ấn tượng hơn trong lời mở đầu, “ Quyển sách này được viết chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay…những bước chân lặng lẽ thong dong bình thản trở về sự im lặng…” Rồi từng trang trôi qua cho đến trang cuối sách khi anh: “ Tôi mơ mộng rằng đâu đó có được một số thanh niên Việt Nam (từ 15 đén 18 tuổi hay khoảng lứa tuổi đó; thời gian từ 15 đến 18 tuổi là những năm bí mật kỳ lạ mà tất cả những mộng tưởng và hoài vọng đều có thể xô đẩy chuyển động trọn cả cuộc đời người này đi về một phương trời nhứt định nào đó) tình cờ đọc được những lời dạy đạo trên (…) của Padmasambhava và…như mây trắng đạp trên đầu nhân loại”. (À ha!!! Anh đã làm tôi thật sự nhẹ người vì chuyện tôi bị mất trí trong mùa hè năm lớp 10. Tôi thật sự cảm ơn anh đã chỉ cho tôi thấy được cơn chấn động tâm thức năm lên 16 của tôi là gì.).

Nghe thú vị thật. Lần này, một vài bạn cũ và tôi đã bước qua tuổi 50 thật sự thấy anh tuyệt vời vì đã ít viết lòng thòng cà-kê-dê-ngỗng-triết-lý-tây-học của ngày xưa (đã đầu độc thế hệ chúng tôi ra sao!)

Rồi sau, cuốn “Nét Đẹp Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo” mới thực sự làm tôi nể phục anh. Cô đọng, ‘tinh túy’ như trong tựa đề. Mỏng còn hơn hai cuốn trước và lại  được dùng cho Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế dùng phục vụ cho tăng ni sinh.

Tôi giật mình khi đoc xong và thật tình hoan lạc. Anh vẫn là người làm chúng tôi cuồng điên ngày xưa…và bồi hồi, cảm phục ngày nay.

Dù cách xa nửa vòng trái đất và biết anh chẳng bao giờ trở lại tắm trên dòng sông linh thiêng Cửu Long ở Mỹ Tho ngày xưa…Tôi nghe như anh vẫn giảng  trong giảng đường Vạn Hạnh, Sài Gòn, hay nhàn toạ trên đồi Hải Đức, Nha Trang, hay lang thang đâu đó ngắm hoa quì vàng trên đồi thông Đà Lạt…và vẫn luôn là “…con bướm bay qua đại dương…” như anh đã thổi hồn thơ và mộng tưởng cho thế hệ chúng tôi những năm đầu 1970s qua “Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn” quá ư tuyệt vời.

Xin ngẫu hứng tặng anh mấy câu tứ ngôn bất tuyệt… như lời chúc an lạc:

        …Trong ngần năm tháng
Dạo cỏi trần gian
Như vầng dương sáng
Ẩn hiện hòa tan
Bất phân thiện ác
Tung rải pháp lôi
Vô vi bất tác
Mà vẫn tài bồi
Nguyên tánh thường hằng
Có-đó-không-đó
Có thấy được chăng?

Có-không-không-có…


 Nhật Thuận – Nguyễn Đăng Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét