Gặp Lại Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam
(Viết nhân ngày mất của Nhất Linh: 7/7/1963)
Nhật Thuận – Nguyễn Đăng Hòa
1. Tình cờ được đọc “Nhất Linh, Cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết, Văn Mới xuất bản, 2006, đâu đó bên kia trời Tây…Xúc động vì những hồi ức tuổi thơ, và những cuốn sách của Nhà Xuất Bản “Tự Lực Văn Đoàn”, sách “Hồng” cho thiếu nhi, “Văn Hóa Ngày Nay” thời ấy, với hai câu thơ trên trang bìa:
“Sắc trong thanh ngọc hương thơm mộng’
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.”
…và những tranh bìa vẽ những loài lan quá đẹp của ông, tôi không thể không viết lên những cảm xúc làm rung động tuổi thơ tôi một thời,…và ...
2. ...Thời tiểu học của thế hệ chúng tôi thật êm đềm, phả đầy nhưng câu văn lãng mạn đầy chất thơ trong các tác phẩm của ông mà tôi và người cậu họ Lê P. tìm thấy trong tủ sách “Tự Lực Văn Đoàn” gia đình của người cậu Lê T. khi ông cũng mới ở Pháp về dạy tại trường Quốc Học và Đại Học Huế. Chúng tôi tha hồ ngấu nghiến tủ sách những lúc không bận bịu với những trò chơi tuổi thơ trong vùng nhà vườn Phú Xuân, Vạn Xuân, Kim Long như…tắm sông, trộm trái, săn chim, bắt bướm…trong các vườn nhà chi chít cây trái, dưới bóng râm ngỡ không có ánh nắng mặt trời chiếu rọi.
Cậu cả Mai Quang T. của tôi thời ấy lại là bạn học của cậu Lê T., và là anh em cậu cô đồng lứa tuổi, cũng có nguyên bảy, tám, chín (tôi không còn nhớ chính xác con số) Văn Hóa Ngày Nay (VHNN) trong thùng sách trên gác, để lại nhà sau khi ông đi làm sớm cho Sở Quan Thuế ở Tourane (Đà Nẵng). Chúng tôi đã lớn lên trong không-thời gian ấy với những chồng sách bám bụi thời gian của người lớn để lại…và tôi đã gặp Nhất Linh.
3. Tôi còn nhớ bìa các cuốn VHNN luôn do Nhất Linh tự vẽ. Khi thì loài hoa lan này, khi thì loài hoa lan khác…và chúng chắc chắn là những loài lan rừng ông yêu thích nhất thời kỳ ông ẩn thân ở Đà Lạt và Fim-Nôm. Ông đặt tên cho chúng, và luôn luôn là hai câu thơ: “Sắc trong thanh ngọc hương thơm mộng, Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.” như nhắc nhủ giấc mơ tiên mà ông ấp ủ trong thời gian ẩn cư này.
Những tranh bìa VHNN được bọc dưới lớp giấy bóng mờ thời ấy và cả những hình nhỏ minh họa bên trong cho các truyện ngắn đã gây cảm hứng cho nổi mê say hội họa của tôi.
Sau này trong suốt thời gian những năm cuối bậc tiểu học, những quyển vở thừa giấy lật ngược không bao giờ còn trang giấy nào trắng do đầy những tranh vẽ mê say của tôi. Và, tôi vẽ không tệ…để luôn được điểm cao môn Họa do thầy Phạm Đăng T. dạy thuở cấp II, trường Bồ Đề Thành Nội, Huế những năm sau đó. Cả đến môn Việt văn, tôi luôn được điểm cao trong những bài luận và được các thầy ngợi khen suốt bốn năm học. Đây chắc chắn là do tôi đã có nhân duyên gặp Nhất Linh thời Tiểu học.
Cho đến bây giờ qua gần nữa thế kỷ, tôi còn nhớ những câu chuyện xúc động về cái nghèo của “Nhà Mẹ Lê”, đức tính chịu đựng tần tảo của “Cô Hàng Xén”, chuyện tình lãng mạn của anh đánh tôm và người tình quê bên bến sông trong “Mối Tình Chân”, nhà ga Cẩm Giàng và “Hai Chị Em” chờ mẹ về trong ánh hoàng hôn lấm bụi than, “Nhặt Lá Bàng” với”…’Lạy Trời, gió nữa lên…’. Tiếc thay cốt chuyện thì nhớ, nhưng những đoạn “văn mẫu” từng thuộc lòng ngày xưa nay đã bị thời gian bào mòn trong ký ức! Dù còn nhỏ xíu ở tuổi Tiểu học, tôi đã từng bồi hồi tưởng tượng dựng lên cảnh phim lúc anh đánh tôm (tên?) được người tình quê (tên?) đến hẹn hò cùng anh trên chiếc ghe nhỏ ở Bến Nhà Trò (có đúng tên thế không nhỉ?!). Khi chị khẽ vén mảnh vải băng mắt để nom vào con mắt toét ấy, và…bàn chân anh khẽ dẫm nhẹ lên chân chị như lởi tỏ tình hay cảm ơn sự quan tâm săn sóc…Tôi đã lặng người mê say hình ảnh đẹp đẽ, tuyệt vời mà Nhất Linh đã mô tả trong cảnh này như đã đánh mất hồn. Bây giờ mỗi khi nhớ lại, hình ảnh dễ thương ấy vẫn khiến tôi bồi hồi một cảm giác đê mê trinh nguyên như khi còn là một cậu bé học sinh Tiểu học.
Tất cả những cảm xúc trên đều nằm trong phạm trù văn học…
Bây giờ…
4. Tôi muốn nhắc đến một phạm trù khác trong con người Nhất Linh. Đó là chính trị và liên quan đến sự vụ tranh đấu ở miền Nam nhằm…,biết nói sao cho dễ thương đây nhỉ, thay đổi một chính thể “lạc lối” bởi mang tính “phân biệt tôn giáo” và tính “gia đình trị” của nền Đệ Nhất Cọng Hòa ở miền Nam, Việt Nam thời ấy. (Dù hoạt động chính trị của ông còn phải đề cập sâu vào thời kỳ trước nữa, nhưng đó không phải là mục đích của bài viết này).
Nhất Linh đã trở thành bất hủ bởi lời tuyên bố: “Đời tôi để lịch sử xử…”. Có ít người trong trò chơi chính trị đã thấy trước và không để đời mình chịu nhục bởi những “cái gọi là tòa án” nhưng chẳng minh bạch tí nào!
Lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam đã có Bồ Tát – Thích Quảng Đức “vị pháp thiêu thân”. Hà cớ gì không có một Nhất Linh can đảm uống độc dược tự xử để góp phần chuyển xoay vận nước lúc bấy giờ trong thời điểm lịch sử1963 đáng nhớ ấy.
Khi tôi biết về vụ tự xử của Nhất Linh, tôi vẫn còn là một cậu bé. Tôi đọc tập chuyên san (bây giờ đã quên mất tên) do một người cậu ưu ái đưa cho…Bây giờ đọc lại hồi ức của người con ông kể lại…chuyện hai anh em đi mua rượu Johnny Walker…gặp mưa ở Chợ Lớn…cô bé 15 tuổi núp mưa vơi bụi mưa li ti trên tóc…Trời ơi! Như một đoạn phim chiếu chậm hiện về…
Vậy đó…
Con người từng là Bộ Trưởng Ngoại Giao thời Chính Phủ Liên Hiệp ngày xưa ấy…
Vậy đó…
Con người từng là Cử nhân Khoa học ở Pháp, từng học Mỹ thuật, từng dựng nên Tự Lực Văn Đoàn tăm tiếng, từng mơ mộng cải tạo xã hội bằng văn hóa, từng ẩn cư như một nhà tu tầm-tiên-tầm-lan…đã kết thúc cuộc đời của mình như vậy đó. Nhẹ nhàng thanh thản như đã ngộ ra chuyện sinh-tử-tử-sinh của kiếp người. “Thân-Trung-Ấm”, tôi chơt nghĩ Nhất Linh đã thấu suốt. Bình tỉnh, tự tại, nói cho con trai lớn về ý nguyện rồi quyết ra đi không ai cản được. Nhất Linh chẳng phải là một “tự-tại-bồ-tát” trong chính đời ông và giai đoạn lịch sử ấy chăng? Có ai, nếu nhìn lại trong lịch sử cận đại Việt Nam có một hóa thân đẹp tuyệt như ông. Biết nói sao…
5. Tất cả đều như cơn gió thoảng…”Bát Phong-Chẳng-Động”. Riêng tôi…chỉ xin ngậm ngùi thắp nén hương lòng kính nhớ./-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét