Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Gặp lại Nhất Linh

Gặp Lại Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam
 (Viết nhân ngày mất của Nhất Linh: 7/7/1963)

Nhật Thuận – Nguyễn Đăng Hòa

1.         Tình cờ được đọc “Nhất Linh, Cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết, Văn Mới xuất bản, 2006, đâu đó bên kia trời Tây…Xúc động vì những hồi ức tuổi thơ, và những cuốn sách của Nhà Xuất Bản “Tự Lực Văn Đoàn”, sách “Hồng” cho thiếu nhi, “Văn Hóa Ngày Nay” thời ấy, với hai câu thơ trên trang bìa:
            “Sắc trong thanh ngọc hương thơm mộng’
            Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.”
…và những tranh bìa vẽ những loài lan quá đẹp của ông, tôi không thể không viết lên những cảm xúc làm rung động tuổi thơ tôi một thời,…và ...


2.         ...Thời tiểu học của thế hệ chúng tôi thật êm đềm, phả đầy nhưng câu văn lãng mạn đầy chất thơ trong các tác phẩm của ông mà tôi và người cậu họ Lê P. tìm thấy trong tủ sách “Tự Lực Văn Đoàn” gia đình của người cậu Lê T. khi ông cũng mới ở Pháp về dạy tại trường Quốc Học và Đại Học Huế. Chúng tôi tha hồ ngấu nghiến tủ sách những lúc không bận bịu với những trò chơi tuổi thơ trong vùng nhà vườn Phú Xuân, Vạn Xuân, Kim Long như…tắm sông, trộm trái, săn chim, bắt bướm…trong các vườn nhà chi chít cây trái, dưới bóng râm ngỡ không có ánh nắng mặt trời chiếu rọi.

Cậu cả Mai Quang T. của tôi thời ấy lại là bạn học của cậu Lê T., và là anh em cậu cô đồng lứa tuổi, cũng có nguyên bảy, tám, chín (tôi không còn nhớ chính xác con số) Văn Hóa Ngày Nay (VHNN) trong thùng sách trên gác, để lại nhà sau khi ông đi làm sớm cho Sở Quan Thuế ở Tourane (Đà Nẵng). Chúng tôi đã lớn lên trong không-thời gian ấy với những chồng sách  bám bụi thời gian của người lớn để lại…và tôi đã gặp Nhất Linh.

3.         Tôi còn nhớ bìa các cuốn VHNN luôn do Nhất Linh tự vẽ. Khi thì loài hoa lan này, khi thì loài hoa lan khác…và chúng chắc chắn là những loài lan rừng ông yêu thích nhất thời kỳ ông ẩn thân ở Đà Lạt và Fim-Nôm. Ông đặt tên cho chúng, và luôn luôn là hai câu thơ: “Sắc trong thanh ngọc hương thơm mộng, Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.” như nhắc nhủ giấc mơ tiên mà ông ấp ủ trong thời gian ẩn cư này.

Những tranh bìa VHNN được bọc dưới lớp giấy bóng mờ thời ấy và cả những hình nhỏ minh họa bên trong cho các truyện ngắn đã gây cảm hứng cho nổi mê say hội họa của tôi.
Sau này trong suốt thời gian những năm cuối bậc tiểu học, những quyển vở thừa giấy lật ngược không bao giờ còn trang giấy nào trắng do đầy những tranh vẽ mê say của tôi. Và, tôi vẽ không tệ…để luôn được điểm cao môn Họa do thầy Phạm Đăng T. dạy thuở cấp II, trường Bồ Đề Thành Nội, Huế những năm sau đó. Cả đến môn Việt văn, tôi luôn được điểm cao trong những bài luận và được các thầy ngợi khen suốt bốn năm học. Đây chắc chắn là do tôi đã có nhân duyên gặp Nhất Linh thời Tiểu học.

Cho đến bây giờ qua gần nữa thế kỷ, tôi còn nhớ những câu chuyện xúc động về cái nghèo của “Nhà Mẹ Lê”, đức tính chịu đựng tần tảo của “Cô Hàng Xén”, chuyện tình lãng mạn của anh đánh tôm và người tình quê bên bến sông trong “Mối Tình Chân”, nhà ga Cẩm Giàng và “Hai Chị Em” chờ mẹ về trong ánh hoàng hôn lấm bụi than, “Nhặt Lá Bàng” với”…’Lạy Trời, gió nữa lên…’. Tiếc thay cốt chuyện thì nhớ, nhưng những đoạn “văn mẫu” từng thuộc lòng ngày xưa nay đã bị thời gian bào mòn trong ký ức! Dù còn nhỏ xíu ở tuổi Tiểu học, tôi đã từng bồi hồi tưởng tượng dựng lên cảnh phim lúc anh đánh tôm (tên?) được người tình quê (tên?) đến hẹn hò cùng anh trên chiếc ghe nhỏ ở Bến Nhà Trò (có đúng tên thế không nhỉ?!). Khi chị khẽ vén mảnh vải băng mắt để nom vào con mắt toét ấy, và…bàn chân anh khẽ dẫm nhẹ lên chân chị như lởi tỏ tình hay cảm ơn sự quan tâm săn sóc…Tôi đã lặng người mê say hình ảnh đẹp đẽ, tuyệt vời mà Nhất Linh đã mô tả trong cảnh này như đã đánh mất hồn. Bây giờ mỗi khi nhớ lại, hình ảnh dễ thương ấy vẫn khiến tôi bồi hồi một cảm giác đê mê trinh nguyên như khi còn là một cậu bé học sinh Tiểu học.

Tất cả những cảm xúc trên đều nằm trong phạm trù văn học…

Bây giờ…

4.         Tôi muốn nhắc đến một phạm trù khác trong con người Nhất Linh. Đó là chính trị và liên quan đến sự vụ tranh đấu ở miền Nam nhằm…,biết nói sao cho dễ thương đây nhỉ, thay đổi một chính thể “lạc lối” bởi mang tính “phân biệt tôn giáo” và tính “gia đình trị” của nền Đệ Nhất Cọng Hòa ở miền Nam, Việt Nam thời ấy. (Dù hoạt động chính trị của ông còn phải đề cập sâu vào thời kỳ trước nữa, nhưng đó không phải là mục đích của bài viết này).

Nhất Linh đã trở thành bất hủ bởi lời tuyên bố: “Đời tôi để lịch sử xử…”. Có ít người trong trò chơi chính trị đã thấy trước và không để đời mình chịu nhục bởi những “cái gọi là tòa án” nhưng chẳng minh bạch tí nào!

Lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam đã có Bồ Tát – Thích Quảng Đức “vị pháp thiêu thân”. Hà cớ gì không có một Nhất Linh can đảm uống độc dược tự xử để góp phần chuyển xoay vận nước lúc bấy giờ trong thời điểm lịch sử1963 đáng nhớ ấy.

Khi tôi biết về vụ tự xử của Nhất Linh, tôi vẫn còn là một cậu bé. Tôi đọc tập chuyên san (bây giờ đã quên mất tên) do một người cậu ưu ái đưa cho…Bây giờ đọc lại hồi ức của người con ông kể lại…chuyện hai anh em đi mua rượu Johnny Walker…gặp mưa ở Chợ Lớn…cô bé 15 tuổi núp mưa vơi bụi mưa li ti trên tóc…Trời ơi! Như một đoạn phim chiếu chậm hiện về…

Vậy đó…

Con người từng là Bộ Trưởng Ngoại Giao thời Chính Phủ Liên Hiệp ngày xưa ấy…

Vậy đó…

Con người từng là Cử nhân Khoa học ở Pháp, từng học Mỹ thuật, từng dựng nên Tự Lực Văn Đoàn tăm tiếng, từng mơ mộng cải tạo xã hội bằng văn hóa, từng ẩn cư như một nhà tu tầm-tiên-tầm-lan…đã kết thúc cuộc đời của mình như vậy đó. Nhẹ nhàng thanh thản như đã ngộ ra chuyện sinh-tử-tử-sinh của kiếp người. “Thân-Trung-Ấm”, tôi chơt nghĩ Nhất Linh đã thấu suốt. Bình tỉnh, tự tại, nói cho con trai lớn về ý nguyện rồi quyết ra đi không ai cản được. Nhất Linh chẳng phải là một “tự-tại-bồ-tát” trong chính đời ông và giai đoạn lịch sử ấy chăng? Có ai, nếu nhìn lại trong lịch sử cận đại Việt Nam có một hóa thân đẹp tuyệt như ông. Biết nói sao…

5.         Tất cả đều như cơn gió thoảng…”Bát Phong-Chẳng-Động”. Riêng tôi…chỉ xin ngậm ngùi thắp nén hương lòng kính nhớ./-

Độc Thoại - Nhớ Nguyên Tánh-PCT.

Độc Thoại – Nhớ Nguyên Tánh-Phạm Công Thiện
                                                            (Tưởng niệm  hương linh bạn Đỗ Văn Thông)

Tôi và thế hệ đầu 5X đã nghiền ngẫm, say mê, vọng tưởng đến cuồng điên về những gì anh đã viết…Những năm tháng chúng tôi còn mòn đủng quần trên ghế nhà trường cấp III, rồi giảng đường đại học cùng cả thế hệ lớn tuổi hơn, đã bị mê hoặc bởi chữ nghĩa phù thủy của anh đến trở thành một “trào lưu mê Phạm Công Thiện” thời ấy.

Tôi đã mất trí suốt ba tháng hè niên khóa 1968-69 khi chỉ mới lớp 10. Tôi đã lạc hồn trong quyển “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” dày gần bằng nửa cuốn tự điển…(mà nghe đâu sau này anh đã vứt vào sọt rác). Tôi và một số bạn ban C, Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, thời ấy, không thể thiếu quyển sách anh viết kẹp nách hằng ngày, cùng sách vở đến trường!!!

Hởi ôi! Với tuổi 16 đẹp mơ, trong veo, hầu như chúng tôi đã mê say, bay bỗng về những điều anh viết về W. Saroyan, E. Hemingway, H. Miller… và những câu thơ trích dẫn từ Appolinaire, “Ta ngắt đi một cành hoa Thạch Thảo…”,… ” Dưới cầu Mirabeau chảy dòng Seine…”. Ôi! Làm sao tôi nhớ tên họ hết các tác giả anh đề cập qua từng ấy năm tháng…Hơn nửa đời người đã trôi qua và thế hệ chúng tôi đầu đã bạc…có bạn đã vĩnh viễn đi vễ cỏi giới khác! Chúng tôi đã mê say Paris như điếu đổ vì:”Better a beggar in Paris than a millionaire in New-York” mà anh thường lập đi lập lại trong đó. Té ra, tuổi trẻ nào cũng có chung một ước mơ cho thời đại họ sống. Vậy mà sau này, anh đã bỏ Châu Âu vả Paris để về Los Angeles, rồi Garden Grove, U.S.A. ôm ấp một nàng Huế  với cái “baubo” tuyệt vời (ra làm sao…thì chỉ anh biết!). Tôi tự nhắc nhở mà không thất vọng. Bởi, với anh thì có thời-không nào hạn định nữa.

Cô-nàng-mỹ-thuật gì gì đó trong Chapter 33 (nghe như bia băm ba trứ danh thời ấy): “Xin thầy mở cửa, có người muốn gặp…Ngồi đọc Kim Cang, mất hết bốn hàng.” (Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất, trang 279-281, Trần Thi xuất bản, 1988, Huê Kỳ). Thật là hai trang:“ tứ ngôn bất tuyệt…tuyệt bất khả ngôn” của anh cà rởn. À ha! Nhưng để kể lể về:
“ Lòng thòng lộn tới lộn lui,
Như con khỉ đột nhớ mùi ’baubo’!
Văn chương, triết lý, ra dzô,
Ra dzô hít thở, ‘baubo’ nhớ mùi.
‘Bát bất’ nói tới nói lui,
Long Thọ giáng trượng một đùi ra ma.
Chi bằng Gar-den Gro-ve,
Nằm nghe ca Huế, đêm thâu mó …./-

Có gì thì xin anh thứ lỗi (sic!) vì tôi đã làm mấy câu lục bát trên theo giọng cà cựa của anh đã nhập vào tiềm thức từ ngày xưa.

Nhưng thích hơn sau cuốn “tự-sự-tiểu-sử” đó là: “ Những Bước Chân Trở Về Sự Im Lặng”(Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, Monterey Park, Ca., 14/071994). Lần này thật sự ấn tượng hơn trong lời mở đầu, “ Quyển sách này được viết chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay…những bước chân lặng lẽ thong dong bình thản trở về sự im lặng…” Rồi từng trang trôi qua cho đến trang cuối sách khi anh: “ Tôi mơ mộng rằng đâu đó có được một số thanh niên Việt Nam (từ 15 đén 18 tuổi hay khoảng lứa tuổi đó; thời gian từ 15 đến 18 tuổi là những năm bí mật kỳ lạ mà tất cả những mộng tưởng và hoài vọng đều có thể xô đẩy chuyển động trọn cả cuộc đời người này đi về một phương trời nhứt định nào đó) tình cờ đọc được những lời dạy đạo trên (…) của Padmasambhava và…như mây trắng đạp trên đầu nhân loại”. (À ha!!! Anh đã làm tôi thật sự nhẹ người vì chuyện tôi bị mất trí trong mùa hè năm lớp 10. Tôi thật sự cảm ơn anh đã chỉ cho tôi thấy được cơn chấn động tâm thức năm lên 16 của tôi là gì.).

Nghe thú vị thật. Lần này, một vài bạn cũ và tôi đã bước qua tuổi 50 thật sự thấy anh tuyệt vời vì đã ít viết lòng thòng cà-kê-dê-ngỗng-triết-lý-tây-học của ngày xưa (đã đầu độc thế hệ chúng tôi ra sao!)

Rồi sau, cuốn “Nét Đẹp Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo” mới thực sự làm tôi nể phục anh. Cô đọng, ‘tinh túy’ như trong tựa đề. Mỏng còn hơn hai cuốn trước và lại  được dùng cho Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế dùng phục vụ cho tăng ni sinh.

Tôi giật mình khi đoc xong và thật tình hoan lạc. Anh vẫn là người làm chúng tôi cuồng điên ngày xưa…và bồi hồi, cảm phục ngày nay.

Dù cách xa nửa vòng trái đất và biết anh chẳng bao giờ trở lại tắm trên dòng sông linh thiêng Cửu Long ở Mỹ Tho ngày xưa…Tôi nghe như anh vẫn giảng  trong giảng đường Vạn Hạnh, Sài Gòn, hay nhàn toạ trên đồi Hải Đức, Nha Trang, hay lang thang đâu đó ngắm hoa quì vàng trên đồi thông Đà Lạt…và vẫn luôn là “…con bướm bay qua đại dương…” như anh đã thổi hồn thơ và mộng tưởng cho thế hệ chúng tôi những năm đầu 1970s qua “Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn” quá ư tuyệt vời.

Xin ngẫu hứng tặng anh mấy câu tứ ngôn bất tuyệt… như lời chúc an lạc:

        …Trong ngần năm tháng
Dạo cỏi trần gian
Như vầng dương sáng
Ẩn hiện hòa tan
Bất phân thiện ác
Tung rải pháp lôi
Vô vi bất tác
Mà vẫn tài bồi
Nguyên tánh thường hằng
Có-đó-không-đó
Có thấy được chăng?

Có-không-không-có…


 Nhật Thuận – Nguyễn Đăng Hòa

Mùa An Cư ở Hà Tân Tự & Đỉnh Tùng Sơn

Mùa An Cư ở Hà Tân Tự & Tùng Sơn Đỉnh.

Bài: Nhật Thuận - Ảnh: Nguyễn Đăng Hòa



Đã lâu mới có lại được những ngày an lạc, tự tại, rỗng rang…dưới mái chùa làng Hà Tân thân yêu (Xã Đại Lãnh, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam). Ngồi ở đình bát giác trông ra là sừng sững rặng Tùng Sơn như bình phong trước mặt, soi bóng xuống dòng sông Cái (Vu Gia) chảy ngang trước cổng Tam Quan cổ kính rêu phong.

Khi nào cũng thấy mây trời. Nhất là sớm mai, khi hơi lạnh của đá núi chưa tan đầu khe cuối lũng, mây luôn lãng đãng trôi xuôi về Đông.

Sáng nào tôi cũng bắt đầu ngày của mình ở đây. Công phu-tọa thiền- dưỡng sinh- khí công-trà đàm cùng sư trụ trì…Ngồi “nhàn tọa” ở đình bát giác, nhìn về Đông ửng mặt trời hồng, dòng sông Cái hợp lưu với sông Con thành mũi Ba Bến, nơi Hà Tân Tự được dựng lập…buông thư, tỉnh tại, lắng nghe, ngắm nhìn. Tất cả vọng tưởng hóa thành mây trắng bay đi. Dáng núi thì vẫn thế, nhưng luôn mới mẻ dù dường như đã đươc ngắm mòn qua bao lần về thăm lại chùa.

Những phút giây ấy thật vô giá. Tôi thấy mình lặng lẽ vững vàng như đá núi, nhẹ nhàng như mây trời và với tâm không rỗng rang như bầu trời xanh trên cao, tôi mãi luôn ngồi đó. Hít-thở, buông thư, và quán sát thời- không quanh mình. Thảng hoặc, đôi khi vụt qua những sát-na hồi ức đầy vọng tưởng…nhưng cũng như mây trời, chúng thoáng qua đi không lưu vết.

Ngồi đây, nhìn mây phủ trên đỉnh núi mà cứ ngỡ như mình  đang trên rặng Tuyết Sơn linh thiêng miền Tây Tạng, nóc nhà của thế giới. Trên đỉnh Tùng Sơn ấy, đã ba lần theo Thầy hành cước đăng sơn. Chỉ tiếc cả ba đợt đều không có mây phủ như sáng nay để có được cảm giác bồng bềnh  như bơi trong mây. Chỉ có gió, gió lộng ngày đêm với cây cỏ và đá núi. Trong thất, ngoài thất luôn cảm thấy căng lồng ngực, hít-thở linh khí của độ cao gần ngàn mét này. Ngoài âm thanh vi vu của gió là tỉnh lặng vô cùng. Thỉnh thoảng mới nghe đươc tiếng chim rừng nào đó tìm bầy hay tiếng ve theo thời khóa riêng của chúng đánh thức. Thôn làng Hà Tân cùng ngôi chùa thân yêu dưới kia, dòng sông Cái , sông Con, ruộng đồng nhỏ nhắn như dược sắp xếp trên sa bàn. Đồi Thương Đức xanh tươi, yên bình như chưa bao giờ trải qua những phút giây sinh-tử của lịch sử ngày xưa. Tất cả thanh bình, yên ả quá giữa đất trời bao la vô tận.

Đỉnh Tùng Sơn với năm ngọn đồi thoai thoải hướng Nam, với rừng cây bạt ngàn trên chóp và dọc theo các dòng tiểu khê. Còn lại là phần địa hình thoai thoải tương đối bằng phẳng (khoảng 400 ha.) chỉ còn cây tràm làm chổi quét, các loài dương xỉ, lau lách và loài rêu khô  diệu kỳ bám trên những “thạch sàng” chịu đựng nắng gió chờ cơn mưa tới để hồi sinh.

Đêm trên Tùng Sơn tưởng mình đang ở đâu đó trong phim hoặc truyện “Đỉnh Gió Hú” của Emily Bronté. Sau bữa thọ trai thanh đạm nhưng ngon miệng, chúng Hà Tân Tự theo thầy Đồng Nhãn nổi lửa ngồi quanh  nhau pháp đàm. Lặng lẽ sao trời thắp sáng tứ phương. Đèn từ đỉnh Bà Nà phía Bắc nhấp nháy và xa kia, hướng Đông Bắc là quầng sáng hửng lên bầu trời đêm trong veo từ thành phố Đà Nẵng. Những bài thiền ca nho nhỏ, ý vị được xướng lên và hòa điệu, nhịp nhàng chậm rãi, sâu lắng như hơi thở trong tiếng vi vu hòa âm không ngớt của gió núi, đất trời đem lại thanh khí cho đồng đạo quay quần bên nhau quanh Thầy.

Đêm nay, này mai, thất này, thêm thất nữa… Ở thành phố, trong căn nhà vây bọc của mình làm sao nghe được tiếng Đại Hồng Chung tỉnh thức mỗi ngày như đang được sống, tu học dưới mái chùa Hà Tân, nơi có thầy-bạn để cùng xẻ chia niềm an lạc của  chốn thanh tịnh độ…

A-di-đà-Phật.
Mùa An Cư P.L. 2554


Nhật Thuận – Nguyễn Đăng Hòa











Mẹ + Thơ thẩn-Thẩn thơ

MẸ     
(Nhân Mùa Vu Lan PL.2554)
           

Buổi sáng, sau khi ra biển về, ở nhà với mẹ. Hạnh phúc là giây phút này…phải tự nhận biết và  im lặng tận hưởng, vì luôn luôn có sẵn bên đời, tìm đâu xa. Hạnh phúc chẳng đâu xa để loay hoay tìm kiếm ngoài kia.

Có khi suốt một kiếp nhân sinh, hạnh phúc luôn luôn nở nụ cười chào mời, chờ đón trong mỗi một sát-na của đời người.

Biết quên đi, tỉnh thức những khi lạc chốn…gặp người để chỉ thấy nghe những điều  vô bổ, phiền não. Hạnh phúc đến lặng lẽ trong buổi sớm mai hít thở công phu trên bãi cỏ mượt mà. Hạnh phúc được thả mình buông thư nhìn ngắm trời xanh trong vắt, bềnh bồng ngoài xa khơi thấm mùi biển mặn, hát ca một mình cho hải âu lượn cánh nghiêng mình nhìn xuống.

Hạnh phúc khi cuối đời được ở gần mẹ già, nhìn nụ cười mai sớm, nét chau mày tha thứ khi chờ đợi chiều hôm, nghe tiếng thở đều an giấc qua đêm thanh vắng.

Hạnh phúc…làm sao…mà nói sao cho xiết… Thôi, hãy tỉnh lặng mỉm cười, nhìn ngắm, lắng nghe, cảm nhận. Hạnh phúc của người, của mình và tạ ơn trên hằng ngày còn cho mình tỉnh thức để luôn nhận ra hạnh phúc để quên bớt khổ đau.

Thế giới ngày một hổn mang…Con người ngày càng vô cảm…Nhưng bên cạnh những điều xấu ác, may thay cho những người còn MẸ quanh đời để trên cỏi trần gian này vẫn còn chút mong manh kính nhớ, an ủy, nương nhờ, thờ phụng để mỗi mùa Vu Lan còn được cài một bông hồng  nhỏ  diệu kỳ trên áo.

Mong thay./-
Nhật Thuận – Nguyễn Đăng Hòa
**************************************************************

Thơ thẩn – Thẩn thơ


1. Im Lặng

Mong thay một chút bình an,
Cho đời dễ chịu lỡ mang kiếp người.
Hỗn mang trong cỏi đười ươi,
Tóc râu nhẵn nhụi, lông đuôi mọc dài!
Cũng xe ngựa, cũng lầu đài,
Cũng áo mão, cũng bi hài nói thưa!
Hỏi rằng đã học hay chưa?
Đười ươi im lặng, nói thưa con người./-
2. Nhạc Kitaro Giữa Đêm

Âm thanh khi có khi không
Khi khoan khi nhặt mênh mang miệt mài
Lên non xuống bể chia hai
Đông-Tây-Nam-Bắc khứ lai lối nào?
Trầm hùng bão biển thét gào
Róc rách nguồn suối đi vào sắc-không
Lặng lờ vắng bặt vô ngôn
Vỡ òa một tiếng, nội công thượng thừa./-


3. Cảm Ơn
                        ( Tặng hiền thê)
Cảm ơn những tháng ngày xưa
Anh nghe em nói như chưa bao giờ
Bao giờ anh cũng ngu ngơ
Ngu ngơ, không nói, khù khờ cảm ơn./-


4. Thạch Sàng Bãi Bụt
   (Tặng nhiếp ảnh gia N. M. Dũng & thạch thất Bãi Bụt ngày xưa)

Nằm tựa thạch sàng Nguyễn Mỹ Dũng
Đầu gối mây, chân mây trắng bay
Sóng vỗ rì rào ru dưới lũng
Bóng cây dày phủ mát, ngàn tay
…..
Thạch thất im lìm vắng không chủ
Mình ta ngồi tựa núi lim dim
Bên kia Đà Nẵng đời có đủ
Chỉ thiếu an bình, bướm với hoa./-


5. Trăng Ngày Xưa
Lạ gì, cũng một chỗ nằm
Sao thao thức mãi trăng rằm còn đâu
Một mình tỉnh tọa canh thâu
Nghe thu lành lạnh nghe sầu vọng dâng
Ngày xưa như đã có lần
Cũng ghềnh thác nọ cùng vầng trăng treo
Núi cao biển rộng lưng đèo
Ngày xưa như đã trôi vèo mất tăm./-

Trên Đỉnh Tùng Sơn với Guru lần thứ IV.
Nhật Thuận-Nguyễn Đăng Hòa

Buổi sáng trời hanh nắng. Sau những ngày mưa giông, gió dập mưa vùi. Cả trời đất như sáng bừng. Anh cũng có cùng cảm nhận sáng bừng và một luồng hơi nóng ấm chạy rùng rùng khắp châu thân.

Vẫn là Bát Giác Đình của Hà Tân Tự, ngồi bên Thầy khoác y đỏ thẩm dòng truyền thừa Gelup mũ vàng của Đức Đạt Lai lạt Ma XIV. Dòng sông đời và dòng sông Vu Gia đầu nguồn tưởng chừng như đang ngừng chảy...cùng ngưỡng trông rặng Tùng Sơn sừng sững trước mặt. Mây vẫn lãng đãng trôi nhẹ về Đông, tìm về Mẹ Đại dương bao la mở vòng tay chào đón, cùng hòa nhập với các dòng sông thiêng khác khắp Á Châu như sông Hằng, Hoàng Hà, Dương Tử, Cửu Long...

Thầy chậm rãi kể về nhân duyên được nhận phép Quán Đảnh từ chính Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV tại Tiểu Tây Tạng Daramala, Ấn Độ cho chúng đệ tử thân cận nghe.

Thầy nói về thời gian nhập thất tại Hà Giang...tùy duyên hóa đạo cho một số Phật tử người dân tộc và cả các quan chức ở Hà Nội năm ngoái. Thầy nói trong lúc nhập thất ở núi rừng Hà Giang thầy đã gặp được Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 rồi. Và điều này được chứng thực trong buổi lễ "quán đảnh" khi trên đài cao, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã nhìn xuống chạm mắt mỉm cười với thầy trong cả đại chúng đang chớ nhận Lễ Quán Đảnh. Cả những vị Lạt Ma sư huynh khi đưa thầy đi đo may tăng phục truyền thống cũng bảo đã gặp và biết thầy từ năm trước. Ôi chao! Thật là ân điển lớn lao...không kể xiết.

Chúng nghe theo quyết đinh của thầy leo Tùng Sơn Đỉnh vào 15:00 giờ chiều ngày 20/08 â.l. (17.IX.2011). Trời đang vần vũ ủ giông, sấm chớp lóe lên từ phía đỉnh. Một số phật tử tỏ ý e ngại nhưng thầy bảo sẽ không hề gì. Thế là chúng lên đường. Nam có bốn người: Thầy, chú Huệ Minh, anh Phi và anh. Nữ có hai: ni cô Như Minh và đệ tử Như Huệ. Chúng qua sông Vu Gia với may vần gió giật nhưng khi đến chùa Hòa Hữu bên kia sông gửi xe, chào ni sư trụ trì Huệ Tâm cùng lễ Phật thì trời hửng nắng. Lành thay!

15:30. Chúng đăng sơn. Chỉ có Như Huệ là leo núi lần đầu...còn lại là "cựu chiến binh" đã được "phong hàm sĩ quan" hết(mỗi một lần ai leo tới đỉnh, thầy "phong hàm" thiếu úy...và cứ thế mà lên lon). Lên khoảng 1/5 đọ đường là một chồ nghỉ quen thuộc cho dân leo Tùng Sơn. Anh Phi, người đã lên "hàm tướng mấy sao" nói tên dốc này là "Dốc Ông...". Anh mệt quá nên đã quên mất và đặt lại là Dốc # 1. Nhìn xuống xa kia bên kia sông là mũi Ba Bến, nơi có chùa Hà Tân ngói thẩm rêu phong đang ẩn mính trong những lùm cây. Nổi bật nhất là Nhà thờ Hà tân và nhà thờ tộc ngoại của danh hài Hoài Linh với mái ngói còn mới đỏ tươi. Làng xóm và đồi Thương Đức êm đèm bên hai dòng sông màu vàng đục. Xa hơn nữa là làng Trúc Hà và Chấn Sơn bên rặng núi Ngầm Đôi hướng bắc. Làng Hội Khách gần hơn bên bãi bồi sông Vu Gia về hướng tây bắc...tiếp nối là những răng núi đồi về hướng Thạnh Mỹ...rồi trùng điệp dãy Trường Sơn về phía biên giới Lào. Chiếu những tia nắng xuyên vầng mây xám...và gió cứ như ru. Chúng ngồi nghỉ đợi thầy và Như Huệ đi sau. Thật khó có cảm giác nào tả xiết khi bạn đang ở một độ cao đủ nhìn xuống trần gian như hòn non bộ thu nhỏ dưới kia. Tuyệt vời.

(còn tiếp)